Tìm kiếm sản phẩm: Tìm nâng cao
Phí vận chuyển Tỷ giá
 
Hãng vận chuyển
Nặng khoảng
gram
Khoảng cách
Từ
Đến
Nhập vào đầy đủ các thông tin yêu cầu và bấm vào "Tính phí" để xem giá thành vận chuyển
Giá:
0

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 12.714.043
Số người đang xem:  40

Chuyên gia dự báo lãi suất còn tiếp tục giảm

Đăng ngày: 29/05/2012 08:55
Chuyên gia dự báo lãi suất còn tiếp tục giảm
Sau đợt cắt giảm lãi suất hôm 25-5 vừa qua, một số chuyên gia ngân hàng đã đưa ra dự báo lãi suất sẽ tiếp tục giảm sâu hơn. Và cũng có những nhận định cho rằng không nên quá thắt chặt chi tiêu công, để có thể khơi thông dòng vốn.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã tích cực giảm lãi suất huy động để kéo lãi suất cho vay, nhưng việc giảm lãi suất cho vay phải là thực chất.

Thực tế lãi suất huy động đã xuống thấp trong khi lãi suất cho vay vẫn cao. Lãi suất cho vay bình quân trong toàn hệ thống hiện vẫn ở mức trên 17%, chứ không phải 14-15%. Với lãi suất cho vay cao như vậy, doanh nghiệp sau khi đã chịu lãi suất rất cao trong 2011, đến 6 tháng cuối năm 2012 sẽ không chịu nổi lãi suất của 2 năm tích lũy. Vì vậy, hoạt động thực của doanh nghiệp trong năm nay rất trì trệ.

Tuy vậy ông Kiên khẳng định hạ lãi suất là việc bắt buộc, để lãi suất cho vay ổn định 12-13%/năm, kéo dài trong 10 năm liên tiếp. Trong vòng 3 năm nay, lãi suất biến động khó lường, vì vậy nhà nước nên sớm ổn định lại lãi suất, có thể ở mức 10-11% huy động, cho vay 12-13%, nhưng phải giữ được lâu dài trong vài năm tới, không phải chỉ trong vài tháng, sang năm lại bất ổn khiến không doanh nghiệp nào yên tâm. Như trong 2 năm qua, lãi suất tăng giảm mạnh khiến doanh nghiệp thận trọng trong đầu tư, tái đầu tư, mất đi động lực phát triển nền kinh tế. Lãi suất cần giảm xuống dưới 10% trong năm nay để giúp doanh nghiệp bớt khó.

Theo ông Kiên, tính ổn định của lãi suất cũng phụ thuộc lạm phát, nhưng lạm phát cao hay thấp thì chỉ phụ thuộc một phần vào yếu tố bên ngoài, còn lại phụ thuộc nhiều vào tính ổn định của nền kinh tế, nếu bất ổn vĩ mô, hẳn nhiên sẽ gây ra lạm phát, gián tiếp ảnh hưởng đến lãi suất. Ông Kiên cho rằng việc cần làm ngay là ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định chính sách tiền tệ để nhanh chóng thực hiện được mục tiêu giảm lãi suất thực sự.

Đồng thời, để giảm lãi suất thì tái cơ cấu của ngân hàng phải hiệu quả nhưng cũng cần nhìn rộng hơn, không chỉ là sắp xếp lại ngân hàng nhỏ, vì ngân hàng nhỏ chiếm thị phần rất nhỏ, chỉ vài phần trăm của toàn ngành. "Phải nhìn vào việc tái cơ cấu ngân hàng quốc doanh, ngân hàng lớn. Ở các ngân hàng này nợ xấu rất cao, nếu không thực hiện thì lãi suất sẽ khó giảm nhanh, giảm mạnh và vốn khó chảy vào nền kinh tế do ngân hàng phải thận trọng", ông Kiên nói.

Trong một sớm một chiều dòng tín dụng chưa chảy ra nền kinh tế do doanh nghiệp đang bị áp lực trả lãi trong mấy năm vừa rồi. Và lãi ăn hết cả phần tích lũy nên doanh nghiệp hiện rất cẩn trọng, ít vay để đầu tư hơn. Vì vậy, ông Kiên cho rằng tín dụng sẽ không tăng trưởng nhanh. 'Và để tháo đường ra cho vốn thì không nên quá thắt chặt chi tiêu công, cái nào cần chi vẫn phải chi, sao cho hiệu quả, dừng tất cả thì sẽ có hậu quả dây chuyền như các năm qua”, ông Kiên nói thêm.

Về việc cắt giảm lãi suất, trong một hội thảo được tổ chức cuối tuần qua, ông Tai Hui, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu khu vực Đông Nam Á của Ngân hàng Standard Chartered cho rằng lạm phát Việt Nam đã xuống thấp trong vài tháng qua, và trong 6 tháng cuối năm, có thể về đến dưới 8%. Điều này sẽ  khiến cho chính phủ mạnh tay hơn trong cắt giảm lãi suất, lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong các quí tới. Tuy vậy, ông Tai Hui cũng cho rằng chính phủ nên cẩn trọng trong cắt giảm lãi suất bởi khả năng tạo ra bất ổn của nó, và chấp nhận một mục tiêu tăng trưởng thấp hơn để ổn định kinh tế.

Trong khi đó theo báo cáo phân tích của Ngân hàng HSBC Việt Nam, Việt Nam đã đạt mức lạm phát một con số (tính theo năm là 8,3%), sau gần 2 năm luôn ở mức 2 con số. Kết quả này là do việc áp dụng các biện pháp thắt chặt từ đầu năm 2011. Nhu cầu nội địa thấp kéo giá cả lương thực thực phẩm giảm sút cũng như đà tăng trưởng của nền kinh tế. Đây là lý do khiến cho NHNN Việt Nam giảm lãi suất đến 3 lần trong các tháng qua.

Tín dụng cũng giảm trong quý đầu năm 2012 chứng tỏ tình hình hoạt động kinh doanh thật sự khó khăn tại Việt Nam. Nguyên nhân là các doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn vay do lãi suất cao hoặc thiếu tài sản đảm bảo để được vay tín dụng."Việc cắt giảm lãi suất cho thấy nỗ lực của chính phủ để làm dịu bớt tình hình sản xuất kinh doanh, nhưng tín dụng khó có thể cải thiện đáng kể trong năm nay. Khi lạm phát giảm, Ngân hàng Nhà nước có khả năng cắt giảm thêm lãi suất”, HSBC dự báo.

HSBC cho rằng Chính phủ nên tìm cách tăng hiệu quả đầu tư để có thể kích thích tăng trưởng trong dài hạn. Hiện nay, đang có một lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, điều này nên đi đôi với cải thiện việc phân bổ vốn để vốn đi đến các doanh nghiệp hiệu quả hơn, làm tăng năng suất tại Việt Nam.

Thanh Thương
Theo TBKTSG


Theo Thị Trường Tài Chính

| Chia sẻ |
THẢO LUẬN  
Chưa có thảo luận nào
Ý KIẾN CỦA BẠN  
  Hãy đăng nhập để thảo luận

Tin cùng loại cũ hơn